Với đặc tính dễ nuôi, có thể ăn được nhiều loại thức ăn khác nhau (thức ăn, cám, rau, cơm cặn…), sức đề kháng tốt nhưng giá thành cao, tiêu thụ dễ… đó là những lý do mà ông Trần Văn Sơn, nông dân ở ấp Phước Thọ B, xã Mỹ Phước (huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng) lựa chọn phát triển mô hình nuôi heo rừng nhốt chuồng.
Ông Trần Văn Sơn đã nuôi heo rừng thành công trong nhiều năm nay. Hiện mô hình nuôi heo rừng nhốt chuồng đã và đang giúp ông từng bước ổn định cuộc sống.
Từng thất bại với nghề nuôi vịt chạy đồng, sau nhiều lần chuyển đổi mô hình sản xuất, ông Sơn quyết chọn mô hình nuôi heo rừng để phát triển kinh tế chủ lực cho gia đình.
Nông dân Trần Văn Sơn, ở ấp Phước Thọ B, xã Mỹ Phước (huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng) chăm sóc đàn heo rừng. Ảnh: M.LINH.
Theo bộc bạch của ông Sơn, từng có trong tay hàng nghìn con vịt, cuộc sống rày đây mai đó, đồng nào có lúa là có mặt ông, năm này qua năm nọ cứ “thua keo này cố gắng bày keo khác” nhưng ông quyết không bỏ nghề nuôi vịt.
Sau nhiều năm gắn bó với con vịt, ông Sơn không lấy lại được vốn mà nợ nần ngày một nhiều thêm và buộc ông phải bỏ nghề. Nhưng với ý chí không khuất phục đói nghèo, lão nông Trần Văn Sơn lại một lần nữa chọn hướng đi mới là nuôi heo rừng và đã thành công.
Theo ông Sơn, cách đây hơn 3 năm, qua giới thiệu của người con rể ở Vĩnh Long, ông bàn bạc với gia đình đầu tư mua 4 con heo rừng về nuôi với giá gần 5 triệu đồng.
Với kinh nghiệm nuôi heo từng có, ông Sơn chịu khó tìm hiểu thêm về đặc tính, bản năng của loài động vật này nên dễ dàng phát triển đàn heo rừng theo hình thức nhốt chuồng.
Thấy hiệu quả, ông Sơn mở rộng chuồng trại, tự nhân giống để bán và phát triển đàn heo thịt. Ông Sơn cho biết, heo rừng tuy nhỏ con nhưng sức đề kháng tốt, rất ít khi bị bệnh và có thể ăn được nhiều thứ và rất ưa rau (rau muống, rau lang, rau trai, rau dừa…).
Người nuôi heo rừng dễ dàng lựa chọn được thức ăn phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình, lại có thị trường tiêu thụ riêng (có thể sử dụng trong đám tiệc, liên hoan, hộ gia đình, nhà hàng…).
Giá bán heo rừng ổn định hơn so với nuôi thịt heo truyền thống. Đặc biệt, người nuôi heo rừng chỉ cần đầu tư nguồn vốn ban đầu, sau đó có thể tự phát triển đàn heo.
Mỗi năm heo rừng đẻ được 2 lứa, sau khi tách mẹ khoảng 5 – 6 tháng thì có thể xuất bán heo thịt với trọng lượng trên dưới 20kg với mức giá khoảng 130.000 đồng/kg đối với heo thịt và 150.000 đồng/kg đối với heo con (tùy từng thời điểm). Như vậy, mỗi con heo rừng bán ra, ông Sơn thu lãi trên 50%.
Để đảm bảo đàn heo phát triển liên tục và không bị đứt gãy chuỗi cung ứng cho thị trường, trong chuồng lúc nào cũng có 5 con heo nái và 1 con heo đực cùng đàn heo thịt từ 20 con trở lên.
Nếu nhận thấy nhu cầu thị trường hút thì ông chủ động được ngay nguồn heo giống cũng như đàn heo thịt để cung ứng.
Ngoài phát triển mô hình nuôi heo rừng, ông Sơn còn phát triển đàn ba ba sinh sản khoảng 200 con và tự tay ông thực hiện công đoạn ấp trứng truyền thống (ủ trứng dưới cát) đạt khoảng 80% trở lên nên nguồn ba ba con khá dồi dào và đạt chất lượng, giá bán từ 2.000 – 2.500 đồng/con.
Nguồn thu từ bán ba ba giống hàng ngày ông dùng để trang trải chi phí sinh hoạt gia đình và mua thức ăn nuôi heo rừng, nhờ đó mà gia đình có nguồn thu ổn định, cuộc sống cũng dần bớt khó khăn.
Nguồn: Dân Việt